Tiêu thụ chậm hẳn
Không riêng mặt hàng cà chua, nhiều loại rau củ quả khác cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Chị Trần Thanh Ngân, Công ty TNHH TMDV Văn Phong Phú (thương hiệu rau Hạnh Phúc), có kinh nghiệm thương trường hơn 5 năm nay, đúc kết chưa năm nào thị trường diễn biến lạ lùng như năm nay. "Không như các năm, đã qua tháng 2 âm lịch nhưng chợ đầu mối, chợ lẻ, siêu thị… chỗ nào cũng ế. Siêu thị vắng khách đã đành, đến chợ đầu mối ngay giờ cao điểm cũng ít người mua thì rất khó giải thích" - chị Ngân nói. Từ sau Tết đến nay, chị liên tục khảo sát thị trường để tìm cách đưa hàng ra nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện.
Nguồn cung rau, củ, quả đang dồi dào, giá rẻ hơn cùng kỳ năm 2020
Theo chị Ngân, năm 2020, dù dịch Covid-19 bùng phát 2 lần nhưng nhìn chung người tiêu dùng vẫn mua sắm bình thường, song từ đầu năm 2021 đến nay, mọi thứ tiêu thụ chậm lại hẳn. Đặc biệt, trong đợt bùng phát dịch trước Tết nguyên đán, một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội khiến đường đi của nông sản bị tắc nghẽn kéo dài đến sau Tết. Hệ quả là sau khi tháo gỡ tắc nghẽn, nông sản từ các vùng dịch đưa ra thị trường với giá rẻ chưa từng có, kéo mặt bằng giá chung xuống thấp. Thời điểm trước và sau Tết, thời tiết thuận lợi nên rau củ tươi tốt, sản lượng cao cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng rau củ dư thừa, rớt giá.
Ban quản lý chợ đầu mối nông sản Hóc Môn cho hay hiện mỗi ngày chợ tiếp nhận khoảng 2.700 tấn hàng hóa, tăng gần 200 tấn so với cùng thời điểm năm 2020. Trong đó, riêng lượng rau củ quả về chợ tăng 8%. "Nguồn rau củ quả về chợ chủ yếu từ Đà Lạt - Lâm Đồng, Đắk Nông và các tỉnh ĐBSCL. Trong đó, sản lượng từ Đắk Nông tiếp tục tăng, một phần do thời tiết khu vực này thuận lợi để sản xuất nông nghiệp, phần khác đây là vùng trồng mới đối với rau, củ, quả nên năng suất cao. Do sản lượng tăng trong khi sức tiêu thụ vẫn còn thấp nên giá hầu hết các loại rau củ quả đang rẻ hơn so với cùng kỳ các năm trước" - đại diện ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn nhìn nhận.
Trước tình trạng dội chợ kéo dài, nhiều doanh nghiệp, nhà vườn đã chủ động giảm sản lượng. Ông Bùi Trung Kiên, Giám đốc Công ty TNHH Xuân Thái Thịnh, phản ánh thị trường nông sản đang ế ẩm kéo dài. "Công ty tôi đã giảm đến 2/3 sản lượng so với năm 2019 vì tiêu thụ tại kênh chính là các hệ thống siêu thị ở TP HCM đang quá yếu, các hệ thống cạnh tranh nhau khốc liệt nên ép giá nhà cung cấp. Ngoài ra, một số nhà cung cấp đang "đạp" giá để giành thị phần khiến doanh nghiệp càng khó sống hơn" - ông Kiên chia sẻ.
Nỗ lực xoay xở
Trong lúc thị trường diễn biến bất lợi, các kênh bán hàng quen thuộc như chợ đầu mối, siêu thị… gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp phải nỗ lực xoay xở, tìm thêm đầu ra cho sản phẩm.
Cho rằng những khó khăn hiện tại là phép thử đối với các doanh nghiệp và nông dân, chị Trần Thanh Ngân nhận xét sức mua đang có dấu hiệu nhích lên. "Đây là thời kỳ chuyển đổi. Kinh doanh ế ẩm khiến doanh nghiệp, nhà nông giảm trồng, không chạy theo sản lượng mà chú trọng đến chất lượng cũng như chăm chút sản phẩm hơn. Những sản phẩm tốt thì sẽ tồn tại, những sản phẩm không tốt bị loại bỏ và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn" - chị Ngân nói.
Cũng theo chị Ngân, diễn biến hiện tại khiến kế hoạch đưa hàng vào một số hệ thống bán lẻ hiện đại của công ty chị tạm gác lại. Thay vào đó, sẽ đẩy mạnh chào hàng đến các cửa hàng rau sạch, cửa hàng thực phẩm ở chợ lẻ, khu chung cư, khu dân cư… Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh bán sỉ cho các website bán hàng trực tuyến. "Dịch Covid-19 làm thay đổi thói quen tiêu dùng, trong đó hình thành xu hướng mua nông sản tươi trên mạng. Thời gian qua, tiêu thụ của công ty ở kênh chợ đầu mối, chợ lẻ, siêu thị đều sụt giảm nhưng qua các trung gian bán hàng online vẫn khá tốt" - chị Ngân phân tích.
Ông Bùi Trung Kiên cho biết khi phong trào mở cửa hàng thực phẩm an toàn nở rộ tại TP HCM hồi 5 năm trước, Xuân Thái Thịnh đã chấp nhận chịu lỗ, cung cấp hàng cho hơn 10 cửa hàng nhưng được một thời gian tất cả cửa hàng này không thể trụ nổi. "Đến giờ, chúng tôi còn công nợ tại một số cửa hàng nhưng tinh thần là… không thể thu hồi. Bài học rút ra là kênh phân phối này chỉ hiệu quả đối với những cửa hàng có chiến lược rõ ràng, đã hình thành được chuỗi, nếu không rủi ro rất cao, đặc biệt là mặt hàng nông sản vốn sáng rau, chiều rác" - ông Kiên nêu kinh nghiệm. Hiện công ty đang mở thêm đầu ra bằng cách tiếp cận các bếp ăn, khu công nghiệp, trường học. Với lợi thế sản phẩm có xuất xứ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm…, Xuân Thái Thịnh cũng đang tính đến khả năng làm hàng xuất khẩu. "Thị trường trong nước ngày càng chật hẹp vì có quá nhiều người tham gia. Thời gian qua, tôi nhận được nhiều lời đề nghị hợp tác sản xuất rau củ để xuất sang Nga, Úc… và đang xem xét về quy cách, tiêu chuẩn, có thể sẽ bắt tay làm thử" - ông Kiên nói thêm.
Kỳ vọng thị trường tốt dần lên
Theo các doanh nghiệp, tiêu thụ nông sản đang có dấu hiệu nhích dần lên trong những ngày gần đây, hy vọng đến giữa năm hoặc cuối năm sẽ tốt hơn khi dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, sản lượng nông sản đưa ra thị trường thường năm sau cao hơn năm trước, sản xuất và kinh doanh nông sản ngày càng rủi ro hơn.
Để giải bài toán này, theo các chuyên gia nông nghiệp, những đơn vị sản xuất phải có kế hoạch thị trường, có quy mô sản xuất đủ lớn để xây dựng kế hoạch và tìm kiếm kênh tiêu thụ. Bên cạnh đó, việc đa dạng hóa kênh tiêu thụ cũng là đòi hỏi bắt buộc để không phụ thuộc quá lớn vào thương lái hoặc một kênh tiêu thụ chính nào. "Bài học nông sản Hải Dương, Hà Nội, dưa hấu Ninh Thuận không bán được cho thương lái, phải nhờ cộng đồng "giải cứu" thời gian qua là dẫn chứng. Nếu địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất nông nghiệp chủ động làm thị trường, có liên kết với doanh nghiệp chế biến, các hệ thống siêu thị, xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường... thì đã có thể giảm thiểu được thiệt hại" - một chuyên gia nông nghiệp nêu quan điểm.